Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Mùa hè nên chọn loại trái cây nào để giải nhiệt?

Nhu cầu dùng trái cây giải nhiệt tăng lên rất nhiều trong mùa hè, vậy mùa hè nên ăn trái cây nào để giải nhiệt sẽ tốt?
Như bạn đã biết trái cây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin dồi dào. Vitamin chính là 1 trong 4 nhóm chất rất cần thiết của cơ thể. Vào mùa hè, lượng vitamin trong trái cây càng trở nên cần thiết khi cơ thể dễ mất nước do tiết mồ hôi.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên vào mua hè nên thường xuyên sử dụng các loại hoa quả sau để thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể.
Cam, chanh, bưởi. Đây là những loại quả có nhiều vitamin C, rất tốt để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể trước những đợt nắng nóng. Chúng cũng là những loại quả ít đường, không làm tăng cân nên chuyên gia khuyến cáo người dân nên sử dụng hàng ngày.
Táo. Táo có chứa rất nhiều loại vitamin và khoáng chất khác nhau, trong đó hàm lượng sắt chiếm nhiều nhất. Vi chất sắt là nguồn nguyên liệu chủ yếu để tạo máu cho cơ thể, tốt cho cơ thể.
Dứa. Đây là loại quả có tính thanh nhiệt, đặc biệt thích hợp ăn trong mùa hè. Trong dứa có chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, chứa hàm lượng đáng kể canxi, chất xơ, kali và vitamin C.
Dưa hấu. Mùa hè là mùa thích hợp nhất để ăn dưa hấu. Trong dưa hấu có chứa các vitamin A, B1, B2, C, các loại đường glucozo, saccarozo, axit malic, axit glutamic và arginine,… có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp. Đặc biệt, dưa hấu tốt cho những người mắc nhiệt miệng, ra nhiều mồ hôi, hay các bệnh viêm thận thiểu niệu, cao huyết áp.
Xoài. Xoài là loại trái cây cho thu hoạch vào mùa hè, có giá trị dinh dưỡng cao. Trong xoài có chứa axit acradic và anacradiol, hai chất này được cho là có tác dụng chống trầm cảm. Ngoài ra xoài còn là nguồn cung cấp lượng đường rất cao (khoảng 12%), cũng như nhiều chất vitamin A, C, chất sắt và axit niacin.

7 thực phẩm giải độc cơ thể rất hiệu quả

Những thực phẩm như tỏi, trà xanh, trái cây… không chỉ giúp bạn giải độc mà còn giúp bạn giảm cân nhưng vẫn tràn đầy năng lượng
Củ cải đường. Củ cải đường chứa nhiều magiê, sắt và vitamin C có nhiều lợi ích sức khỏe. Loại siêu thực phẩm này được biết đến là duy trì hàm lượng cholesterol cao và đóng vai trò như một công cụ giải độc tuyệt vời cho gan. Củ cải đường có thể ăn sống hoặc nấu chín. Bạn thậm chí có thể thử nước ép củ cải đường.
Tỏi. Không chỉ được biết đến là tốt cho tim, tỏi còn là thực phẩm giải độc tuyệt vời vì nó có thuộc tính kháng vi-rút, kháng khuẩn và kháng sinh. Tỏi chứa chất Allicin giúp tăng cường sản sinh các tế bào bạch cầu và giúp chống lại độc tố vì vậy hãy giã một ít tỏi và cho vào các món ăn của bạn.
Trái cây. Trái cây tươi chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất xơ. Chúng cũng chứa ít calo, vì vậy hãy bổ sung hoa quả vào kế hoạch giảm cân. Không chỉ làm đẹp cho da và tóc, hoa quả cũng rất có lợi cho tiêu hóa. Hãy bổ sung hoa quả tươi vào bữa sáng hoặc bữa ăn nhẹ trong ngày.
Trà xanh. Một trong những cách giải độc tốt nhất là bổ sung trà xanh vào chế độ ăn. Trà xanh giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Vì chứa nhiều chất chống oxy hóa, nó cũng có hiệu quả bảo vệ gan khỏi những bệnh như gan nhiễm mỡ.
Gừng. Ăn thực phẩm nhiều mỡ và uống rượu có thể khiến hệ tiêu hóa bị khó chịu. Khi đó gừng sẽ giúp giảm buồn nôn, cải thiện tiêu hóa giảm chướng bụng, đầy hơi. Vì gừng cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa nên nó cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hãy cho gừng nạo vào nước trái cây hoặc uống trà gừng thường xuyên.
Chanh. Là một trong những loại thực phẩm giải độc phổ biến và hiệu quả nhất, chanh chứa nhiều vitam C, một chất chống oxy hóa tuyệt vời cho da và cũng giúp chống lại các gốc tự do gây bệnh. Chanh cũng có tác dụng kiềm hóa cơ thể. Điều đó có nghĩa nó có thể giúp khôi phục độ cân bằng pH của cơ thể, có lợi cho hệ miễn dịch. Hãy bắt đầu ngày mới bằng một cốc nước ấm pha với vài giọt nước cốt chanh. Cách này sẽ giúp giải độc và làm sạch cơ thể.
Gạo lứt. Gạp lứt chứa nhiều dưỡng chất giải độc chủ chốt như vitamin B, magiê, mangan và phốt pho. Nó cũng có nhiều chất xơ, rất tốt để làm sạch đại tràng và giàu selen, có thể giúp bảo vệ gan và cải thiện làn da.

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Nhồi máu cơ tim, làm sao tránh?

Đau thắt ngực (ĐTN) và nhồi máu cơ tim (NMCT) là bệnh tim do động mạch vành (ĐMV) mà đa số là bị xơ vữa động mạch gây ra. 
Có thể gọi NMCT là một tai biến mạch vành. Khi một vùng cơ tim đột nhiên thiếu hụt ôxy (mất cân bằng giữa cung và cầu ôxy trong chốc lát thì ta bị cơn ĐTN kéo dài 1 vài phút rồi hết, nhưng nếu cơn đau nặng hơn, kéo dài hơn) thì đó là NMCT và thường kèm theo khó thở. 90-95% nhồi máu cơ tim là do xơ vữa ĐMV và bệnh THA. Hai bệnh này có thể độc lập, song thường kết hợp với nhau trên một người bệnh. Những nhân tố đe dọa NMCT: đảo lộn giờ giấc sinh hoạt nghỉ ngơi; uống rượu quá mức; không kiểm soát được bệnh THA; chấn thương tinh thần trên nền stress trường diễn; gắng sức quá mức; nghiện thuốc lá kéo dài; không kiểm soát bệnh đái tháo đường và bệnh gút. Nhồi máu cơ tim thường xảy ra trên các bệnh nhân vốn đã có cơn ĐTN, có khi sau một thời gian dài bẵng đi như đã khỏi hoặc cơn bỗng nặng lên hẳn so với mọi lần trước. Để phòng NMCT cần tránh những nhân tố đe dọa đã nói trên... Trường hợp anh nhà đã có cơn ĐTN, cần tìm nguyên nhân để điều trị, cần nghiêm chỉnh thực hiện chế độ sinh hoạt lao động nghỉ ngơi, dinh dưỡng và tập luyện hợp lý, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá. Nếu tình trạng không cải thiện, cần khám lại để được kê đơn dùng thuốc kiểm soát HA, đái tháo đường hay rối loạn mỡ máu nếu có. Đặc biệt nếu nghi ngờ NMCT (đau thắt ngực kéo dài trên 15 phút, nghẹt thở, nôn ói, vã mô hôi...) cần đến ngay tại trung tâm tim mạch can thiệp để điều trị kịp thời.
BS. Hoàng Văn Thái

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Mẹo giúp vết thương mau lành

Những mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp vết thương mau lành hơn, đặc biệt khi bạn bị sứt do cạo râu, bỏng khi nấu ăn hay vết sẹo sau phẫu thuật.
Chúng ta có thể bị thương vì những lý do khác nhau. Cho dù đó là một vết cắt nhỏ khi cạo râu, bỏng khi nấu ăn hoặc phẫu thuật thì mối quan tâm lớn nhất là làm thế nào để phục hồi càng sớm càng tốt. Những lời khuyên dưới đây có thể giúp phục hồi nhanh hơn và đẩy nhanh quá trình lành vết thương.

Meo-giup-vet-thuong-mau-lanh

Giảm căng thẳng và lo âu
Các nghiên cứu chỉ ra rằng stress vì lo âu có thể làm chậm quá trình lành vết thương ở những bệnh nhân sau phẫu thuật và thậm chí khiến bệnh nhân phải nằm viện lâu hơn. Hãy thử những kỹ thuật thư giãn và tập luyện để kiểm soát stress và lo âu. Bằng cách này, vết thương của bạn sẽ lành nhanh hơn.
Tăng cường hấp thu vitamin C
Tăng cường hấp thu axit ascorbic hoặc vitamin C sẽ giúp vết thương lành nhanh hơn. Các loại rau như ớt chuông, súp lơ xanh, bắp cải…là những nguồn vitamin C phong phú. Bạn có thể bổ sung nước chanh và cam vào chế độ ăn.
Sử dụng lô hội
Nếu bị bỏng nhẹ sau khi chạm phải vật nóng hoặc lửa, lô hội có thể làm dịu vết thương và giảm đau. Nó có thể giúp lành nhanh các vết bỏng nông.

Mat-ong-giup-vet-thuong-mau-lanh

Mật ong
Đây là một bài thuốc tự nhiên, được sử dụng trong nhiều thế kỷ để điều trị vết thương, tổn thương do bỏng và loét da. Bạn có thể sử dụng mật ong cho những vết bỏng trên bề mặt và ban da. Ngoài ra, mật ong cũng là bài thuốc tại nhà trị chắp hoặc lẹo mắt.
Bổ sung kẽm
Một yếu tố vi lượng quan trọng trong cơ thể là kẽm và các nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng thiếu kẽm có thể làm chậm lành vết thương. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn bổ sung kẽm, các bác sĩ thấy rằng bôi tại chỗ oxit kẽm trong băng có thể làm vết thương lành nhanh hơn. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các thuốc có chứa kẽm thích hợp.
Chế độ ăn giàu protein
Nếu bạn đang phục hồi sau phẫu thuật, bạn cần có chế độ ăn đầy đủ protein để vết thương chóng lành. Lý do là vì lượng axit amin ảnh hưởng tới phục hồi vết thương và hoạt động miễn dịch.
BS. Tuyết Mai/Univadis
(theo THS)

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Ăn nhiều trái cây liệu có tốt không?

Fructose, loại đường trong trái cây, có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng cân nếu bạn ăn quá nhiều, do vậy ăn quá nhiều trái  cây cũng sẽ không tốt
Fructose, đường tự nhiên được tìm thấy trong trái cây và bắp, có thể có tác dụng lên cânnặng. Fructose từ trái cây và fructose từ chất làm ngọt có trong các sản phẩm thực phẩm như nước ngọt, nước soda… đều có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, như tăng cholesterol và làm giảm độ nhạy cảm insulin.
Fructose có một số tác dụng phụ khi được tiêu thụ với số lượng quá nhiều, chế độ ăn uống của chúng ta có từ 3 nguồn đường cơ bản: fructose từ trái cây; glucose từ trái cây và thực phẩm giàu tinh bột như ngũ cốc; và sucrose, thường được gọi là đường ăn – loại hỗn hợp fructose và glucose. Khi ăn thức ăn có đường hoặc tinh bột, gan có thể lấy fructose và glucose và biến nó thành năng lượng, lưu trữ dưới dạng glycogen, biến nó thành chất béo, hoặc gửi nó đến các bộ phận khác của cơ thể. Trong khi gan gửi glucose đến các bộ phận khác của cơ thể, nó cũng giữ fructose ở gan cho dù có cần fructose hay không.
Gần như tất cả các fructose chúng ta ăn đều nằm ở gan, nguy hiểm xảy ra nếu bạn đang dùng nhiều fructose từ thức uống ngọt là gan của bạn bị quá tải và bắt đầu gửi triglyceride dư thừa, góp phần vào nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, một số triglyceride có thể ở lại gan làm giảm độ nhạy với insulin và góp phần vào nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng nam giới trẻ tuổi uống 2 lon nước ngọt khoảng 700 ml mỗi ngày trong ba tuần dẫn đến kháng insulin hơn, cholesterol LDL – cholesterol “xấu” cao hơn, so với những người tiêu thụ lượng glucose tương đương. Điều này cho thấy tác động không lành mạnh của fructose.
Không phủ nhận lợi ích của trái cây trong chế độ ăn uống nói chung và thậm chí nó còn giúp giảm cân, ngừa ung thư, nhưng lưu ý tránh ăn quá nhiều trái cây, vì có thể làm bạn tăng cân và không tốt cho đường tiêu hóa. Trái cây giàu chất xơ, nếu bạn tăng lượng chất xơ nhanh sẽ gây khó chịu và đầy hơi.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Viêm màng não - Một bệnh lý thần kinh nguy hiểm

Viêm màng não là bệnh lý thần kinh thường gặp, là hiện tượng viêm của màng não dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, cứng gáy, sợ ánh sáng và tăng số lượng bạch cầu trong dịch não tủy.
Nguyên nhân của bệnh viêm màng não có thể do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm trùng. Các bệnh lý không nhiễm khuẩn thường có bệnh cảnh và tên gọi riêng nên khi đề cập đến viêm màng não thường nói đến viêm màng não nhiễm trùng do vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng...
Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng kinh điển của viêm màng não bao gồm sốt, đau đầu, cứng gáy, sợ ánh sáng, buồn nôn, nôn và các dấu hiệu rối loạn chức năng não (như lơ mơ, lú lẫn, hôn mê) có thể cấp tính trong vài giờ đến vài ngày hoặc lâu hơn đến hàng tuần. Các triệu chứng có khi xuất hiện không điển hình, đầy đủ ở các nhóm bệnh nhân cao tuổi, nhất là khi có bệnh nền kèm theo (đái đường, bệnh gan, bệnh thận); bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính; bệnh nhân suy giảm miễn dịch khác như người ghép tạng, bệnh nhân HIV/AIDS.
Cấu tạo màng não bình thường so với màng não bị viêm.
Thời gian, địa điểm phát bệnh có vai trò quan trọng trong xác định nguyên nhân. Nhiều mầm bệnh xuất hiện gây bệnh theo mùa. Enterovirus gặp ở khắp thế giới, gây nhiễm vào cuối hè đầu thu ở vùng ôn đới nhưng quanh năm ở vùng nhiệt đới. Trái lại các virut quai bị, sởi, thủy đậu, zona hay gặp hơn vào mùa đông xuân. Những yếu tố như tiền sử tiếp xúc người mắc bệnh, tiếp xúc động vật hay ăn các thức ăn từ động vật (sữa, pho mát, tiết canh...), quan hệ tình dục, đi lại giữa các vùng địa lý có thể giúp bác sĩ định hướng nguyên nhân, loại vi khuẩn gây bệnh.
Khi thăm khám, bác sĩ thường phát hiện các dấu hiệu rối loạn chức năng não bao gồm lú lẫn, kích thích, sảng và hôn mê. Những biểu hiện này thường kèm theo sốt và sợ ánh sáng. Các dấu hiệu kích thích màng não như Kernig, Brudzinski, cứng gáy có thể chỉ gặp ở 50% số bệnh nhân viêm màng não mủ...
Căn nguyên gây bệnh
Viêm màng não mủ: trước đây, H. influenzae là tác nhân hay gặp nhất gây viêm màng não mủ ở mọi lứa tuổi nhưng nay hay gặp là phế cầu. Căn nguyên vi khuẩn gây bệnh cũng thay đổi theo tuổi, tình trạng miễn dịch, các tổn thương tai nạn, phẫu thuật thần kinh.
Viêm màng não nước trong: là hội chứng hay gặp nhất trong các nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, phần lớn do các mầm bệnh virut nhưng cũng có thể gặp vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.
Viêm màng não mạn tính: triệu chứng kích thích màng não cùng với tăng bạch cầu trong dịch não tủy kéo dài trên 4 tuần, căn nguyên có thể là vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.
Nguyên tắc điều trị
Bệnh nhân cần nhanh chóng được chọc dịch não tủy khi nghi ngờ có viêm màng não trên lâm sàng. Khi không có dấu hiệu thần kinh khu trú thì không nhất thiết chờ đợi thăm dò chẩn đoán hình ảnh mà ưu tiên chọc dịch não tủy và cho dùng ngay kháng sinh. Dùng ngay kháng sinh theo kinh nghiệm dựa trên các khuyến cáo tại địa phương. Điều chỉnh kháng sinh dựa trên: kết quả soi dịch não tủy; kết quả cấy sơ bộ dịch não tủy; kháng sinh đồ của vi khuẩn phân lập được; đánh giá hiệu quả điều trị; kháng sinh sử dụng phải thấm được vào khoang dưới nhện với nồng độ hữu hiệu. Ví dụ như các penicillin, một số cephalosporin (thế hệ III, IV), carbapenem, fluoroquinolon và rifampin. Chú ý điều trị hỗ trợ và tích cực giải quyết các biến chứng.
Một số trường hợp đặc biệt, ví dụ viêm màng não do lao, bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ 4 - 5 thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công kết hợp cùng với corticoid, thời gian điều trị ít nhất 1 năm. Các thuốc corticoid, thuốc chống phù não, tăng cường dinh dưỡng sẽ được bác sĩ chỉ định trong từng trường hợp, căn nguyên gây bệnh cụ thể.
Tiên lượng và biến chứng
Một số biến chứng có thể gặp là liệt thần kinh sọ, giảm thính lực, não úng thủy thể tắc nghẽn, tổn thương nhu mô não dẫn tới các khuyết tổn vận động, cảm giác, bại não, sa sút trí tuệ, chậm phát triển tinh thần, mù vỏ và động kinh.
Các bệnh lý viêm màng não căn nguyên do virut thường có tiên lượng tốt, ít di chứng ngoại trừ một số virut như virut thủy đậu, gần đây là virut Zika đang được truyền thông nhắc đến và đặc biệt virut viêm não Nhật Bản B  sẽ có thể để lại các di chứng thần kinh nặng nề.
Viêm màng não do lao, nếu được điều trị sớm sẽ có thể khỏi, ít di chứng, nhưng nếu điều trị muộn, di chứng về thể chất, trí tuệ, tinh thần cũng rất nặng nề. Các trường hợp viêm màng não mủ thường có tiên lượng tốt nếu điều trị kịp thời, có thể khỏi hoàn toàn không có di chứng.
Phòng bệnh
Những trường hợp viêm màng não do não mô cầu phải được điều trị cách ly tuyệt đối. Hiện đã có các vắc-xin cho HIB, phế cầu, não mô cầu và một số tác nhân virut như sởi, quai bị, Rubella, viêm não Nhật Bản B. Những người tiếp xúc phơi nhiễm không mang phương tiện phòng hộ hữu hiệu đối với các bệnh nhân viêm màng não do các căn nguyên lây nhiễm cao như H.influenzae typ B, não mô cầu... nên được uống thuốc dự phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm. Ngoài ra, các biện pháp dự phòng chung khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường ngoại cảnh nên được quan tâm và thực hiện thường xuyên đúng mực.
ThS.BS. Vũ Hoài Nam (Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Hữu nghị)

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Cải xoong giàu dinh dưỡng

Rau cải xoong là loại rau quen thuộc nhưng không phải ai đều biết đến những công dụng chữa bệnh tuyệt vời của loại rau này.
Cải xoong còn có tên khoa học là Nasturtium officinale hoặc Nasturtium microphyllum là một loại thực vật thủy sinh hay bán thủy sinh, sống lâu năm và lớn nhanh, có nguồn gốc từ châu Âu tới Trung Á và là một trong số những loại rau ăn được con người dùng từ rất lâu. Các loài thực vật này là thành viên của họ Cải (Brassicaceae), về mặt thực vật học là có họ hàng với rau tần. Tất cả chúng đều đáng chú ý vì có mùi vị hăng và cay.
Theo các kết quả nghiên cứu, trong 100g rau cải xoong  có: nước chiếm 93g, protein 1,7 - 2g, chất béo 0,2 - 0,3g, gluxit 3 - 4g, chất xơ 0,8 - 1g, vitamin A, B1, B2, C và nhiều chất khoáng khác.

Cải xoong chứa một lượng đáng kể sắt, canxi và axít folic cùng với các vitamin A và C. Tại một số khu vực, cải xoong được coi là cỏ dại nhưng tại những khu vực khác thì nó lại được coi là rau ăn hay cây thuốc... Đặc biệt, một thành phần vô cùng sáng giá hiện diện trong cải xoong chính là quercetin. Đây là một hợp chất flavonoid đóng vai trò quan trọng cho sự kháng viêm, đồng thời cũng là một chất thiên nhiên có chức năng chống dị ứng. Bản thân quercetin cũng là một “chiến sĩ” chống oxy hóa, giúp cơ thể “bứng” các gốc tự do.
Một thành phần vô cùng sáng giá hiện diện trong cải xoong chính là quercetin, là một “chiến sĩ” chống oxy hóa

Người ta cho thấy số lợi ích cho việc ăn cải xoong, chẳng hạn việc nó có tác dụng như một chất kích thích nhẹ, một nguồn hóa chất thực vật, có tác dụng chống oxy hóa, lợi tiểu, long đờm và trợ giúp tiêu hóa. Vào thời đại của mình, Hippocrates đã ứng dụng cải xoong để chữa các bệnh cảm, ho, các bệnh về đường phổi, suyễn, táo bón... Y học cổ truyền ở một số nước đã dùng cải xoong để hỗ trợ cho bệnh nhân lao, thấp khớp, đau lưng, thiếu máu, đái tháo đường, tim mạch, giảm thị lực, sỏi mật.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Ulster (Anh) đã kết luận rằng trong cải xoong có chứa một hợp chất gọi là phenylethyl isothio cyanate (PEITC), chất này có khả năng ngăn chặn lại những quá trình gây tổn hại DNA trong bạch cầu, sự tổn hại DNA trong bạch cầu sẽ làm ngòi nổ cho các tiến trình ung thư. Nhờ đó, xà lách xoong có khả năng kháng ung thư.
Bổ sung iod: có thể nhiều người chưa biết, lượng iod có trong rau cải xoong rất cao 20 - 30mg/100g rau. Mỗi ngày, bạn chỉ cần ăn khoảng 10 - 15g cải xoong là có thể đảm bảo đủ lượng iod cho cơ thể. Cung cấp đủ iod giúp cơ thể chống được bệnh còi xương, béo phì, các bệnh ngoài da, xơ cứng động mạch ở người cao tuổi. Vì thế hãy chăm chỉ bổ sung loại rau giàu iod này vào thực đơn hàng ngày nhé!
Chữa bí tiểu: cải xoong cũng có công dụng rất tốt cho việc chữa bí tiểu. Với những người mắc chứng bệnh này: dùng cải xoong tươi 45g, 20g củ hành tây, 15g củ cải trắng. Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ, sấy khô sắc với 1 lít nước còn 300ml, chia uống 2 lần trong ngày. Dùng trong 7 ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Một cách làm khác cũng đem lại công dụng khá hiệu quả lá lấy rau cải xoong rửa sạch, rồi để ráo. Sau đó, lấy rau cải xoong nhúng qua nước sôi  trộn với dầu vừng và dấm ăn trong ngày. Thực hiện liên tục trong 5 ngày bệnh tình sẽ thuyên giảm.
Salad thịt bì, cải xoong thanh mát, đơn giản nhưng thật ngon
Chữa thận, mật có sỏi: lấy một lượng rau cải xoong rồi phơi khô nơi thoáng mát và phải phơi trong bóng râm (âm cam). Mỗi ngày dùng 50g rau cải xoong khô này sắc lấy nước uống, chia 2 lần trong ngày. Nhớ là phải uống khi nóng để có hiệu quả.
100g rau cải xoong có giá trị dinh dưỡng như sau:

Nước chiếm 93g
Protein 1,7 - 2g
Chất béo 0,2 - 0,3g
Gluxit 3 - 4g
Chất xơ 0,8 - 1g
Vitamin A, B1, B2, C
và nhiều chất khoáng khác

Chống ung thư: theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí The British Journal of Nutrition (Anh), nếu bạn ăn khoảng 100g cải xoong mỗi ngày có thể ngăn ngừa ung thư vú và giảm nguy cơ ung thư nói chung. Theo tiến sĩ Nicholas Perricone, cải xoong chứa nhiều vitamin C, B1, B6, K, E, sắt, canxi, magiê, mangan, kẽm và kali hơn so với bông cải xanh, táo và cà chua nên tác dụng phòng chống ung thư hơn hẳn các loại kể trên.
Chữa nhiệt lưỡi, chảy máu chân răng do viêm lợi: đối với những người thường xuyên bị chứng nhiệt lưỡi, chảy máu chân răng thì việc ăn rau cải xong thường xuyên sẽ giúp khắc phục tình trạng khó chịu này. Cách làm: lấy khoảng 200g cải xoong, rửa sạch cùng cà rốt, nấu với 400ml còn 100ml, uống hoặc ngậm hàng ngày. Khi làm theo cách này vài ba lần thì sẽ không còn bị nhiệt lưỡi và chảy máu chân răng nữa.
Giảm cân: cải xoong là loại rau giúp lấy lại vóc dáng thon gọn nhanh nhất, và đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh. Tác dụng giảm cân của cải xoong nằm trong 2 thành phần chính là chất xơ và vitamin C. Chất xơ có vai trò tạo cảm giác nhanh no, hạn chế chị em ăn nhiều thức, giúp giảm hấp thụ chất béo, thải chất béo ra ngoài. Vitamin C tăng khả năng trao đổi chất, giúp tiêu đốt mỡ thừa, giải phóng năng lượng hiệu quả. Vitamin C còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa chất thành năng lượng, vì vậy khi giảm cân chị em không thể thiếu loại rau này.
100g cải xoong mỗi ngày có thể ngăn ngừa ung thư vú và giảm nguy cơ ung thư nói chung

Trị nám và tàn nhang: trong rau cải xoong có chứa nhiều chất chống oxy hóa và hàm lượng sắt cao nên có khả năng làm đẹp làn da rất tốt. Chất chống oxy hóa có trong cải xoong giúp giảm viêm và giảm kích thước lỗ chân lông. Chất sắt có trong cải xoong thì cung cấp các yếu tố cần thiết làm mờ các vết thâm nám, giúp làn da trở nên trắng sáng hơn. Do đó rau cải xoong có tác dụng trị nám và tàn nhang hiệu quả.
Làm đẹp với cải xoong như sau: lấy 20g cải xoong tươi, rửa sạch, để ráo nước. Sau đó giã nhỏ và trộn với một muỗng cà phê mật ong. Rồi cho vào miếng vải mềm, sạch để dùng. Khi dùng  lưu ý trà nhẹ vào vùng da tàn nhang, nám da 2 lần/ngày (sáng và chiều) rồi để cho tới khi khô thì rửa lại mặt bằng nước sạch.
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI

Những thực phẩm nên dùng để tăng cường sức khỏe

Để tăng cường sức khỏe thì ăn uống đúng cách là một yếu tố hết sức quan trọng, những thực phẩm giàu dưỡng chất như khoai lang, rau bina…giúp tăng sức đề kháng rất hiệu quả
Những thực phẩm nên dùng để tăng cường sức khỏe
Mầm lúa mì. Trong mầm lúa mì có chứa nhiều folate, magiê, phốt pho, kẽm cũng như nguồn thiamin. Ngoài ra, nó cũng chứa protein, chất xơ và chất béo. Bạn có thể sử dụng mầm lúa mì rắc lên ly ngũ cốc nóng để dùng.
Khoai lang. Khoai lang rất giàu beta carotene chống oxy hóa giúp chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể bạn. Nó giúp làm giảm quá trình lão hóa cũng như làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh. Ngoài ra, khoai lang cũng là một nguồn cung cấp chất xơ, vitamin B-6 và Kali.
Rau bina. Với hàm lượng cao vitamin A, C và folate, các hợp chất trong rau bina có thể giúp cơ thể bạn tăng cường hệ miễn dịch. Các sắc tố hữu cơ được tìm thấy trong rau bina như beta carotene, lutein và zeaxathin có chức năng chống các loại bệnh liên quan đến thoái hóa điểm vàng, quáng gà, cũng như bệnh tim và ung thư.
Hạnh nhân. Hạnh nhân chứa các chất như riboflavin, magiê, sắt và canxi. Hạnh nhân cũng tốt cho tim của bạn vì có chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn cực kỳ lành mạnh giúp hạ thấp nhất mức cholesterol trong cơ thể.

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Bài thuốc dân gian từ cốt khí củ

Theo Đông y, cốt khí củ có vị đắng, tính ấm, có công dụng hoạt huyết thông kinh, chỉ thống, trừ phong thấp, thanh thấp nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn.
Cốt khí củ còn gọi là hổ trượng, điền thất, hoạt huyết đan, nam hoàng cầm. Là loại cây thảo sống nhiều năm, cao 1-1,5m. Rễ phình thành củ cứng màu vàng. Thân không có lông, trên thân và cành thường có những đốm tím hồng. Lá mọc so le, có bẹ chìa ngắn, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc thành chùm ở nách lá, quả khô có 3 cạnh màu nâu đỏ. Mùa ra hoa tháng 6 - 7, quả tháng 9 - 10.
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, củ. Để lấy nguyên liệu làm thuốc, thường từ tháng 9 trở đi, khi phần trên mặt đất của cây đó bắt đầu tàn lụi (tốt nhất là mùa đông), người ta đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ phần rễ con, phơi khô se rồi đem sấy khô rồi bảo quản kín, để nơi khô ráo, thoáng mát. Trước khi dùng được ngâm mềm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô, sao vàng. Cốt khí củ rất dễ bị nấm mốc phá hoại,  làm giảm chất lượng của vị thuốc. Do đó, việc chế biến sau thu hoạch và trước khi sử dụng là vấn đề cần hết sức quan tâm.
Theo quan niệm của Đông y, cốt khí củ có vị đắng, tính ấm, có công dụng hoạt huyết thông kinh, chỉ thống, trừ phong thấp, thanh thấp nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn.


Bài thuốc theo dân gian:

Chữa đau nhức xương do phong thấp: Cốt khí củ 12g, đơn gối hạc 12g, cỏ xước 8g, hy thiêm 8g, uy linh tiên 6g, binh lang 6g. Các vị sao vàng hạ thổ. Sắc uống 2 lần trong ngày, ngày 1 thang. Dùng liền10 ngày.
Chữa va đậm bầm tím bên ngoài: Cốt khí củ 20g, lá móng 30g, nước 300ml, sắc còn 150ml, hoà thêm 20ml rượu, chia làm 2 lần uống trong ngày để giảm đau, tan huyết ứ.
Hỗ trợ trị viêm gan siêu vi thể vàng da: Cốt khí củ 20g, lá liễu tươi 30g, địa cam thảo tươi 30g, sắc uống ngày 1 thang, uống liền trong 10-15 ngày.
Hỗ trợ điều trị xơ gan: Cốt khí củ 20g, đan sâm 15g, hồng hoa 3g, chỉ sát 10, trạch tả 15g, trư linh 30g, trần bỡ 6g, sơn tra 15g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống trong vòng 1 tuần.
Hạ đường huyết do mất cân bằng thần kinh thực vật (thần kinh giao cảm quá hưng phấn) và rối loạn hoạt động của não. Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh không chịu được đói, chân tay hơi bủn rủn, cảm thấy đầu choáng váng, trống ngực, tim đập nhanh, buồn ngủ, tinh thần khó tập trung,...: Cốt khí củ 10g, trúc diệp (lá tre) 20g, thổ phục linh 10g, gừng tươi 8g, cam thảo 6g, sắc uống trong ngày thay trà.
Để có kết quả tốt nhất trong điều trị trong từng trường hợp cụ thể cần phối hợp với các vị thuốc khác. Do vậy, muốn áp dụng các bài thuốc phải được bắt mạch tại cơ sở Đông y có uy tín.
Lương y. Phó Hữu Đức

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Đông y trị đau nhức xương khớp

Bài viết giới thiệu một số bài thuốc hữu hiệu để phòng chống và khắc phục tình trạng đau nhức xương khớp, đặc biệt đối với người cao tuổi.
Thời tiết chuyển mùa, những đợt mưa phùn gió bấc khiến nhiều bệnh tật phát sinh. Cùng với các bệnh đường hô hấp, bệnh về xương khớp cũng gia tăng, đặc biệt đối với người cao tuổi. Thường hay gặp nhất là đau chân tay, đau bả vai, đau một bên cơ thể, đau nhức trong xương làm cho cơ thể chậm chạp, khó vận động, dáng người nhiều khi bị nghiêng lệch… Đau nhức làm ảnh hưởng đến thần kinh, cân cơ, bệnh nhân mất ngủ, chất lượng cuộc sống giảm sút.
Để phòng chống và khắc phục tình trạng này, xin giới thiệu một số bài thuốc hữu hiệu, thích ứng cho từng thể lâm sàng.
- Đau nhức khớp gối, đau nhiều về đêm, chân tay lạnh, da lạnh
Nguyên nhân do hàn thấp với tà khí xâm nhập mà gây nên bệnh.
Phép trị: Khu phong tán hàn, giảm đau trừ thấp.
Thuốc sắc:
Bài 1:Nam tục đoạn 16g, rễ xấu hổ 20g, thổ phục linh 20g, kinh giới 16g, thạch xương bồ 12g, đậu đen (sao thơm) 24g, hà thủ ô 16g, đương quy 12g, huyết đằng 16g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, chích thảo 12g. Cho các vị vào ấm, đổ 1 lít nước, sắc còn 350ml, chia hai lần uống trong ngày.
Bài 2:Ngải diệp phơi khô 16g, cỏ xước 16g, cây và lá cối xay 16g, thổ phục linh 20g, đơn hoa 16g, kinh giới 16g, bưởi bung 16g, tục đoạn 16g, đinh lăng 16g, tang chi 16g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, rễ xấu hổ 16g, xa tiền 12g, chích thảo 12g. Cho các vị vào ấm. đổ 1 lít nước, sắc còn 350ml, chia hai lần uống trong ngày (uống nóng).
Thuốc chườm: Lá ngải diệp 1 nắm, củ thạch xương bồ giã dập 24g, hai thứ trộn vào nhau sao nóng, dùng miếng vải gói thuốc lại chườm vào chỗ đau. Thuốc nguội thì sao lại để chườm tiếp. Công dụng: ôn kinh tán hàn, giảm đau trừ thấp.
Thuốc ngâm rượu: Rễ cỏ xước 20g, rễ xấu hổ 20g, rễ bưởi bung 20g, nam tục đoạn 20g, xuyên khung 20g, trần bì 12g, thủ ô chế 20g, kê huyết đằng 20g, tang chi 20g, đương quy 20g, táo nhân sao đen 20g, cam thảo 16g. Cho tất cả các vị cho vào bình sành, đổ ngập rượu để ngâm, sau 12 ngày là có thể dùng được. Ngày uống 50-60ml chia 2 lần trước bữa ăn. Công dụng: khu phong tán hàn, chống viêm trừ thấp, thông hoạt kinh lạc.
Cây và vị thuốc thạch xương bồ.
- Đau vai gáy, đau lan xuống một bên cánh tay, sờ vào da thấy lạnh, cơ ở vùng cổ bị co cứng, quay đầu rất khó khăn, toàn thân mệt mỏi, kém vận động. Chứng trạng này là do bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng đến chức năng của kinh lạc, khí huyết trở trệ…
Bài thuốc:
Bài 1:Rễ cúc tần 16g, nam tục đoạn 16g, cẩu tích 12g, phòng phong 10g, kinh giới 12g, đỗ trọng 10g, tần giao 10g, đương quy 12g, rễ tất bát 12g, quế 10g, cam thảo 12g, sinh khương 3 lát. Cho các vị vào ấm, đổ nước 1 lít, sắc còn 350ml, chia 3 lần uống trong ngày. Công dụng: ôn trung tán hàn, hoạt huyết thông mạch.
Bài 2:Ngũ gia bì 16g, ngải diệp 16g, đơn hoa 12g, kinh giới 12g, thạch xương bồ 12g, hoa hồng bạch 5g, hà thủ ô chế 12g, cỏ xước 16g, rễ xấu hổ 16g, quế chi 10g, thổ phục linh 16g, xuyên khung 12g, đan sâm 12g, chích thảo 12g, lá lốt 12g, trần bì 10g. Cho các vị vào ấm, đổ 1 lít nước, sắc còn 350ml, chia 2-3 lần uống trong ngày. Công dụng: thông kinh hoạt lạc, tán hàn chỉ thống.
Trong khi dùng thuốc có thể kết hợp day bấm huyệt. Lần lượt day bấm vào các huyệt sau đây: thị huyệt, phong trì, hợp cốc, huyền trung. Bấm mỗi huyệt từ 5-7 phút, trong khi bấm nếu đến được đắc khí thì giữ cường độ lưu ngón tay lại, kéo dài thêm thời gian. Tác dụng: thông được kinh lạc, thông được dương khí, từ đó sẽ giảm đau rất nhanh.
- Đau ở gót chân: đau nhức buốt trong gót chân, càng giá lạnh càng đau tăng, nhìn bên ngoài không thấy sưng, bàn chân và cẳng chân lạnh. Bàn chân có cảm giác tê bì, đi lại khó khăn. Toàn thân mệt mỏi, ăn ngủ kém, ngại vận động.
Nguyên tắc điều trị: Tán hàn, trừ thấp, giảm đau, thông kinh lạc
Bài thuốc:
Bài 1: Cẩu tích 12g, bưởi bung 16g, đơn hoa 16g, thổ phục linh 20g, xấu hổ 16g, kinh giới 16g, tang kí sinh 16g, đẳng sâm 12g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, xa tiền 12g, lá tre 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Nam tục đoạn 16g, hà thủ ô chế 16g, ngưu tất 16g, cà gai leo 12g, rễ cúc tần 12g, thổ phục linh 16g, củ giềng 12g, rễ lá lốt 12g, ngũ gia bì 16g, ngải diệp 16g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, sinh khương 4g, chích thảo 12g, hương nhu trắng 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Ngoài ra có thể dùng bài thuốc đắp: Vỏ cây gạo 1 nắm, cạo bỏ vỏ thô bên ngoài, sau đó cho vào cối đá giã nhỏ, trộn thêm đồng tiện vào, xào nóng để nguội bớt rồi đắp vào gót chân băng lại. Nên làm vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Lương y Trịnh Văn Sĩ

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Thuốc từ mầm lúa mạch

Mầm mạch, mầm lúa là món ăn rất bổ dưỡng nhờ có nhiều sinh tố, hợp tì vị, nhất là những người yếu dạ dày. Trong Đông y, chúng cũng là vị thuốc tốt cho hệ tiêu hóa.
Mầm mạch, mầm lúa là nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất bánh kẹo, rượu bia và cho rất nhiều ngành công nghiệp. Đây còn là món ăn rất bổ dưỡng nhờ có nhiều sinh tố, hợp tì vị, nhất là những người yếu dạ dày. Trong Đông y, chúng cũng là vị thuốc tốt cho hệ tiêu hóa.
Mầm mạch (Fructus Hordei germinatus) còn gọi là mạch nha, là hạt chín già đã nảy mầm khô ở nhiệt độ dưới 60oC của cây đại mạch (Hordeum sp.). Thành phần hóa học: trong mầm mạch có chứa tinh bột, chất béo, protid, đường maltose, saccarose, vitamin B, C và nhiều men amylaza, maltaza, diastaza, invertaza, lipaza, peptidaza, proteaza… Theo y học cổ truyền, mầm mạch vị mặn ngọt, tính bình. Vào kinh tỳ và vị. Tác dụng làm tiêu hoá thức ăn, khai vị, giảm sữa. Có công năng tiêu thực, hoà trung, bổ tỳ, nhuận phế. Dùng cho các trường hợp đầy bụng, trướng bụng không tiêu, ứ tắc sữa, ăn kém, suy nhược, ho lao, tâm phế mạn tính. Liều dùng: 8 - 16g. Có thể dùng tới 250g.


Cốc nha là hạt thóc tẻ nảy mầm sấy khô.

Mầm lúa

(Fructus Orysae germinatus) còn gọi là cốc nha, là hạt chín già đã nảy mầm khô của cây lúa tẻ (Oryza sativa L. var utilissima). Theo y học cổ truyền, mầm lúa vị ngọt tính ôn. Vào kinh tỳ và vị. Có tác dụng tiêu hoá, khai vị. Mạch nha và cốc nha có tác dụng kiện vị, giúp tiêu hoá nhưng tác dụng giúp tiêu hoá của mầm mạch mạnh hơn, tác dụng dưỡng vị của mầm lúa mạnh hơn; vì vậy thường kết hợp 2 vị này để điều trị tiêu hoá không tốt. Liều dùng: 12 - 20g. Dùng sống hoặc sao qua.
Một số món ăn - bài thuốc có mầm mạch, mầm lúa
Tiêu thực hoá tích (sữa tích trệ không tiêu, bụng trướng đầy, kém ăn): mầm mạch sao 12g, sơn tra sống 12g. Sắc uống.
Trị tỳ vị hư hàn, ăn không tiêu: mầm mạch 16g, đảng sâm 12g, phục linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 4g, thảo quả 8g, gừng khô 4g, trần bì 6g, hậu phác 8g. Sắc uống.


Mạch nha là hạt chín già đã nảy mầm của cây đại mạch sấy khô.

Trị sữa tích lại, vú căng đau hoặc khi cai sữa:

mầm mạch sao 125g, sắc uống. Mỗi ngày 1 thang, uống liền 2 - 3 ngày, có tác dụng giảm bớt sữa, đồng thời lấy 125g bì tiêu, thêm đường mật pha bôi vào vú.
Hoặc mầm mạch sao 250g, nghiền thành bột. Mỗi lần uống 20g, ngày uống 4 lần, chiêu với nước đun sôi.
Trẻ em ăn kém, chậm tiêu, chậm lớn: mạch nha 100g, sơn tra 50g, bột gạo rang 150g, đường trắng 75g. Tất cả sao giòn hoặc sấy khô, tán mịn; trộn đều hoà với mật ong, ép thành bánh cho ăn thường ngày.
Sản phụ sau đẻ bị viêm vú (áp-xe vú) ứ tắc sữa, vỡ mủ, sốt: mạch nha 60g, gạo 60g. Mạch nha sao qua, sắc lấy nước; đem nước mạch nha nấu với gạo thành cháo. Ngày ăn 1 lần. Đợt dùng liền 3 ngày.
Trị thức ăn tích trệ không tiêu, bụng trướng, miệng hôi: mầm lúa sao 12g, mầm mạch sao 12g, sơn tra sao 12g, thần khúc sao xém 12g, lai phục tử 8g. Sắc uống.
Hoặc mầm lúa 12g, thương truật 8g, kê nội kim 8g, cam thảo 8g. Sắc uống.
Trị tỳ vị hư nhược, tiêu hoá không tốt, nôn, tiêu chảy, kém ăn: mầm lúa 20g, cam thảo 8g, sa nhân 4g, bạch truật 12g. Sắc uống.
Kiêng kỵ: Phụ nữ đang cho con bú không nên dùng do làm giảm lượng sữa.
TS. Nguyễn Đức Quang